Nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung cấp dịch vụ công nghệ cao, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, góp phần hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này. Đó là mục tiêu chung Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đã được Bộ Công Thương phê duyệt mới đây.
Nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ lõi
Cuộc CMCN 4.0 đã và đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhằm tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đảm bảo sự phát triển khoa học công nghệ trong nhiều lĩnh vực bắt nhịp với tốc độ phát triển khu vực và thế giới, Chính phủ đã thực hiện nhiều quyết sách. Đặc biệt, ngày 27/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 130/QĐ-TTg ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030. Chương trình gồm 03 chương trình thành phần gồm: Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì); Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao (Bộ Công Thương chủ trì) và Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì).
Nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, nội dung của Quyết định số 130/QĐ-TTg, ngày 20/8/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1992/QĐ-BCT phê duyệt khung Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao. Chương trình xác định, việc ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghiệp để phát triển các sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ cao để phát triển các sản phẩm công nghệ cao, gồm: Hỗ trợ các dự án ứng dụng công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển để tạo ra các sản phẩm công nghệ cao có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có thể thay thế sản phẩm nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp; Hỗ trợ các dự án phát triển và ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh và quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp. Đặc biệt, ưu tiên tập trung hỗ trợ các dự án ứng dụng công nghệ cao trong 5 lĩnh vực sau:
Công nghiệp năng lượng: Phát triển các hệ thống phát điện dùng thủy triều, sóng biển, địa nhiệt; hệ thống Tấm quang điện (PV) hiệu suất cao và thân thiện môi trường; hệ thống, thiết bị lưu giữ nhiên liệu khí mật độ năng lượng cao; hệ thống, thiết bị lưu trữ năng lượng tái tạo hiệu năng cao, dung lượng lớn; hệ thống công nghệ năng lượng Hydrogen. Phát triển, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện truyền tải, hình thành lưới điện truyền tải thông minh, mức độ tự động hóa cao. Phát triển các sản phẩm pin nhiên liệu (Fuel cells); pin, bộ pin Lithium hiệu năng cao, dung lượng lớn, tuổi thọ lớn, an toàn và thân thiện môi trường; bộ tích trữ điện năng dùng siêu tụ điện; chất điện phân (Electrolyte) và màng điện phân (Membrane) tiên tiến cho pin nhiên liệu; hệ thống điều khiển tối ưu, kết cấu và cơ chế cung cấp nhiên liệu, oxy và quản lý nhiệt hiệu quả cho pin nhiên liệu; các trang thiết bị cho lưới điện thông minh; thiết bị biến đổi điện tử công suất dùng cho: Trạm phát điện năng lượng tái tạo, truyền tải điện thông minh; các hệ truyền động điện công nghiệp; các thiết bị điện tử dân dụng tiên tiến…v.v. Phát triển các công nghệ khoan thế hệ mới trong thăm dò dầu khí; công nghệ tiên tiến trong thăm dò, thu hồi dầu và khí (Advanced oil, gas exploration and recovery); công nghệ dập giếng khi sửa chữa lớn giếng khoan trong điều kiện áp suất vỉa dị thường thấp; công nghệ thiết kế, chế tạo, lắp ráp hạ thủy giàn khoan tự nâng, giàn khoan nửa nổi nửa chìm cho khai thác dầu khí và các kết cấu siêu trường, siêu trọng phục vụ ngành dầu khí; thiết bị nâng hạ, chuyên dụng tải trọng lớn; công nghệ ngăn ngừa và loại bỏ lắng đọng nhựa paraffin – asphalt ở các giếng Gaslift bằng phương pháp hóa lý trong khai thác dầu khí… v.v. Phát triển các công nghệ sản xuất methanol từ khí thiên nhiên, đặc biệt các nguồn khí thiên nhiên, có hàm lượng tạp chất (CO2, N2…) cao; công nghệ thu thập, lưu trữ carbon; công nghệ tiên tiến làm sạch các tháp phản ứng trong dây chuyền chế biến dầu khí; Vật liệu xúc tác hấp thụ; công nghệ nâng cao sản lượng khai thác dầu bằng dung môi chất xúc tác enzyme; công nghệ xử lý vùng cận đáy giếng bằng hợp chất Chelate tự nhiên tổng hợp; công nghệ nâng cao chất lượng gia cố ống chống lửng khi xây dựng giếng khoan dầu khí; công nghệ tăng sản lượng khai thác dầu nhờ bơm các thành phần không có tính axít… v.v.
Công nghiệp sinh học ngành Công Thương: Phát triển các hệ thống thiết bị, các công nghệ thế hệ mới ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến và bảo quản thực phẩm quy mô công nghiệp; xây dựng, hình thành các sản phẩm cảm biến sinh học sử dụng trong các lĩnh vực công nghiệp môi trường, tương tác người và máy, điều khiển, quản lý các quá trình trong công nghệ sinh học; chip sinh học; số hóa công nghệ sinh học, thực phẩm; in 3D trong lĩnh vực sinh học, thực phẩm; ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) trong truy xuất nguồn gốc các sản phẩm sinh học và thực phẩm…v.v. Phát triển, tạo ra các chủng biến đổi gen sinh enzyme, protein tái tổ hợp; các hợp chất, hoạt chất sinh học; công nghệ vi sinh thế hệ mới trong công nghiệp chế biến; công nghệ nhân, nuôi mô tế bào cây công nghiệp chất lượng cao quy mô công nghiệp; công nghệ nhân, nuôi mô tế bào động vật sản xuất chế phẩm sinh học ở quy mô công nghiệp; công nghệ sinh học tích hợp công nghệ thân thiện với môi trường trong tách, chiết hoạt chất dược liệu siêu sạch; công nghệ và hệ thống thiết bị đồng bộ sản xuất các chế phẩm vi sinh vật đạt tiêu chuẩn quốc tế; hoạt chất sinh học theo công nghệ nano, …v.v. Phát triển các chế phẩm nhiên liệu sinh học tiên tiến.
Công nghiệp vật liệu mới và nano: Phát triển các loại vật liệu mới có tính năng tiên tiến, thân thiện với môi trường sử dụng công nghệ cao được ưu tiên phát triển hoặc sản xuất ra các sản phẩm vật liệu được khuyến khích phát triển.
Công nghiệp điện tử – công nghệ số: Phát triển các hệ thống thiết bị, phần mềm, giải pháp, nền tảng, dịch vụ cho chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số trong các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên; các hệ truyền động điện công nghiệp; các thiết bị điện tử công nghiệp, dân dụng tiên tiến. Phát triển và triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số tiên tiến khác trong lĩnh vực thương mại điện tử: dự báo xu hướng nhu cầu, tối đa hóa và tự động hóa đàm phán và thương lượng với nhà cung cấp; tự động hóa nhà xưởng và điều hành quản lý; tối ưu hóa bán hàng, phân loại sản phẩm; tối ưu hóa giá cả, cá nhân hóa quảng bá và đáp ứng nhu cầu hiển thị trang web trong thời gian thực, cá nhân hóa các khuyến nghị, cung cấp hỗ trợ trực tuyến với các trợ lý ảo và chatbot; tự động thanh toán tại cửa hàng và hoàn thiện phân phối.
Công nghiệp chế tạo và tự động hóa: Phát triển các công nghệ chế tạo – tự động hóa tiên tiến; tích hợp công nghệ chế tạo – tự động hóa với các công nghệ 4.0 như công nghệ in 3D, dữ liệu lớn, công nghệ mô phỏng thực tế – ảo,…, từng bước xây dựng công nghiệp chế tạo thông minh thành một ngành công nghiệp mũi nhọn. Tập trung vào một số công nghệ trọng điểm sau: Phát triển các công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị, dây chuyền đồng bộ ứng dụng trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp; công nghệ chế tạo các hệ thống thiết bị tiết kiệm năng lượng; công nghệ chế tạo các hệ thống phức tạp, quy mô lớn và có độ tin cậy cao. Các hệ thống ứng dụng công nghệ tự động hóa đo lường và xử lý thông tin, điều khiển tự động các quá trình sản xuất. Cùng với đó là phát triển các công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn công suất lớn dùng trong các thiết bị tự động hóa; công nghệ in 3D, công nghệ mô phỏng thực tế – ảo, công nghệ robot… ứng dụng trong các thiết bị thông minh, công nghiệp chế tạo thông minh. Phát triển và triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực công nghiệp nhằm cải tiến thông minh hóa, tự động hóa nhà xưởng và điều hành quản lý; tự động hóa quy trình sản xuất sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm công nghiệp.
Dự kiến, Việt Nam sẽ phát triển và làm chủ một số công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực được hình thành từ các lĩnh vực công nghệ chủ chốt như công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ điện tử,… được ứng dụng có hiệu quả trong các lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Chương trình sẽ triển khai thành công được ít nhất 30 dự án công nghệ cao ứng dụng trong các lĩnh vực công nghiệp, có tính lan tỏa cao về mặt khoa học công nghệ và kinh tế – xã hội; Góp phần hình thành, xây dựng và phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghiệp.
Minh Anh