Tự động hóa nhà máy thông minh được hiểu là việc ứng dụng các hệ thống điều khiển tự động như máy tính, các loại robot công nghiệp để điều khiển máy móc cũng như vận hành quá trình sản xuất một cách tự động, con người không phải tham gia hoặc tham gia rất ít vào quá trình sản xuất. Vậy tự động hóa trong nhà máy thông minh có lợi ích gì, được thực hiện như thế nào. Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.
Lợi ích của ngành sản xuất khi lựa chọn chuyển mình với tự động hóa
Doanh nghiệp sản xuất là những doanh nghiệp sử dụng nguồn lực, tư liệu sản xuất kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, từ đó cung cấp cho các doanh nghiệp thương mại lưu thông trên thị trường.
Trong những hành động bắt kịp làn sóng công nghệ mới, các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào máy móc, hệ thống dữ liệu, phương thức quản lý cũng như đào tạo chuyên môn. Các lợi ích có thể kể đến như:
– Tăng năng suất lao động: Các dây chuyền tự động hóa có thể hoạt động liên tục mà không cần đến sự can thiệp của con người, chính vì thế lượng sản phẩm được sản xuất ra sẽ nhiều hơn;
– Tăng chất lượng sản phẩm: Các ứng dụng tự động hóa được lập trình chính xác, giúp giảm đáng kể về sai số của sản phẩm so với thao tác của công nhân;
– Độ tùy biến cao: Việc thay đổi quy trình sản xuất, nhất là khi thêm các công đoạn mới, thường rất phức tạp, do công việc này phải đi kèm với các hoạt động đào tạo công nhân cũng như thay đổi quản lý. Đối với các giải pháp hỗ trợ tự động hóa sẽ đảm bảo khả năng làm tất cả các công việc được giao. Điều này sẽ làm tăng độ tùy biến trong sản xuất;
– Thông tin thu thập được có độ chính xác cao: Việc thu thập thông tin tự động có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc lấy được thông tin quan trọng từ sản xuất, tăng độ chính xác của dữ liệu và cắt giảm chi phí thu thập dữ liệu. Các doanh nghiệp áp dụng tốt tính năng này có thể tạo ra những bước đột phá trong kinh doanh, nhờ khả năng đưa ra được các quyết định đúng vào thời điểm cần thiết, cũng như khả năng cắt giảm lãng phí và tối ưu hóa quy trình;
– An toàn lao động: Với các môi trường sản xuất khắc nghiệt, việc triển khai các dây chuyền tự động sẽ đảm bảo an toàn cho con người;
Ngoài ra tự động hóa còn giúp tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng tính linh hoạt, cắt giảm chi phí nhân công và nhiều chi phí khác;
Tự động hóa trong nhà máy thông minh được thực hiện như nào?
1. Ứng dụng Pick & Place
Là ứng dụng lắp đặt sản phẩm từ vị trí cố định hoặc di động sang vị trí khác nhờ robot hoặc cơ cấu truyền động cơ khí. Ứng dụng có thể sử dụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình sản xuất, từ cấp nhiên vật liệu đầu vào đến đóng gói sản phẩm ở đầu ra. Đặc biệt các nhà máy của ngành thực phẩm – giải khát; hàng tiêu dùng; dược phẩm – hóa chất, hệ thống picking trong quá trình đóng gói và hệ thống palletizing trong quá trình xếp pallet cuối dây chuyền đã giải quyết triệt để được những bài toán về năng suất, sản lượng cũng như nhân lực.
2. Triển khai dây chuyền sản xuất tự động
Dây chuyền sản xuất tự động hóa là một quá trình mà ở đó, vật liệu thô được đưa vào và cho ra đời thành phẩm cuối cùng, không hoặc có rất ít sự can thiệp của con người. Tốc độ nhanh chóng, ổn định và chính xác của dây chuyền sẽ rút ngắn thời gian sản xuất và giảm giá thành của sản phẩm. Bên cạnh đó, ứng dụng dây chuyền tự động hóa vào lĩnh vực công nghiệp cũng góp phần giảm đáng kể chi phí nhân công, tối thiểu hóa sai số, đảm bảo sản phẩm hoạt động ổn định và chất lượng.
3. Xây dựng hệ thống MES trong nhà máy
MES – Hệ thống điều hành và thực thi sản xuất là yếu tố kết nối giữa hoạt động sản xuất tại nhà máy với bộ phận quản lý thông qua việc lấy dữ liệu trực tiếp từ máy móc. Bằng cách này mỗi doanh nghiệp có thể cập nhật hoạt động sản xuất tức thời thay vì phải chờ đến khi kết thúc công đoạn sản xuất theo phương thức truyền thống. MES thúc đẩy quá trình kiểm tra sản phẩm, thu thập dữ liệu, tối ưu hóa nguồn lực và quản lý chất lượng trong nhà máy một cách trực tiếp và theo thời gian thực. Từ đó, MES tạo ra và cung cấp quy trình quản lý sản xuất tối ưu trong các mô hình nhà máy thông minh.
4. Ứng dụng phần mềm ERP
ERP là một giải pháp có thể hỗ trợ quản lý một cách hiệu quả các tài nguyên doanh nghiệp trên toàn bộ nhà máy. Từ đây tạo ra sự hợp tác và thúc đẩy hiệu quả giữa các bộ phận trong phân xưởng, đảm bảo sự kết nối dữ liệu từ tầng sản xuất lên tới khu vực quản trị.
5. Mô hình quản trị thông minh BI
Còn BI dựa trên luồng dữ liệu từ dưới phân xưởng gửi lên khối văn phòng thông qua các tầng trong nhà máy, từ đây hỗ trợ Nhà quản trị có một cái nhìn trực quan về mọi hoạt động diễn ra trong doanh nghiệp. Tính ưu việt của tầng BI trong mô hình nhà máy của tương lai đó là hệ thống phân tích trực quan thông qua các biểu đồ và màn hình thông minh. Từ đó người quản trị có thể đưa ra những quyết định mang tính chiến lược, đem lại hiệu quả lâu hơn.
Việc triển khai công nghệ đã tạo ra những thay đổi vượt bậc trong kinh tế, chứng tỏ để gia tăng năng suất và lợi nhuận, cách nhanh nhất là áp dụng tự động hóa vào các công đoạn trong nhà máy của bạn.